-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Làng nghề phú vinh (hà nội): tìm thị trường cho sản phẩm mây tre đan
17/09/2020
Làng nghề Phú Vinh (Hà Nội): Tìm thị trường cho sản phẩm mây tre đan
Việt Nam được coi là một trong ba quốc gia xuất khẩu mây tre đan lớn nhất thế giới. Trong đó, Phú Vinh (xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ - Hà Nội) là làng nghề mây tre đan tiêu biểu nhất.
Sản phẩm đã xuất khẩu đi trên 50 nước
Hàng mây, tre đan của Phú Vinh có tới hàng trăm mẫu mã, có loại đòi hỏi kỹ thuật cao như tranh chân dung, phong cảnh, hoành phi, câu đối, chim thú... Nhiều sản phẩm đã được xuất khẩu sang 50 nước trên thế giới. Từ năm 2001, xã Phú Nghĩa được chọn là điểm du lịch làng nghề của các tour du lịch trên địa bàn. Năm 2004, Phú Vinh được chọn để khảo sát, xây dựng dự án điểm về phát triển làng nghề kết hợp du lịch.
Có những sản phẩm mây đan được làm từ làng nghề Phú Vinh, nay vẫn đang được người đời lưu giữ như một tác phẩm nghệ thuật cổ quý hiếm. Hiện tại, Bảo tàng cung đình Huế đang lưu giữ một tác phẩm thư pháp chữ Hán đan bằng mây của các cố nghệ nhân thôn Phú Vinh vào năm 1712. Theo tài liệu nghiên cứu của Câu lạc bộ nghệ nhân Phú Vinh, vào thời vua Thành Thái, làng nghề truyền thống Phú Vinh có 9 cụ nghệ nhân đã được Nhà vua phong sắc.
Nếu như các họa sỹ vẽ tranh được dùng tới 7 màu cơ bản để thể hiện tác phẩm, thì với nghệ nhân đan mây, chỉ có thể dùng 2 màu đen, trắng. Màu đen là màu của cắt giang được nhuộm từ nước quả bàng, còn màu trắng là màu trắng ngà tự nhiên của dây mây. Với 2 màu ấy, nghệ nhân phải nghiên cứu, tính toán, đan làm sao cho toát lên cái hồn của tác phẩm. Nhất là tả chân dung một con người phải làm sao vừa đẹp vừa giống là điều cực khó. Nếu đẹp mà không giống thì cũng bỏ đi, nếu giống mà lại không đẹp thì cũng vô ích.
Tính đến nay, các lớp nghệ nhân ở làng nghề Phú Vinh đã nhân cấy nghề cho tất cả 1 2 tỉnh, thành phố trên cả nước. Năm 1982, Bộ Ngoại giao Cu Ba đã từng đề nghị Chính phủ Việt Nam cho phép nghệ nhân Nguyễn Văn Trung, người làng Phú Vinh sang trực tiếp giúp đỡ nhân dân Cu Ba học nghề mây, tre đan của Việt Nam. Trong 4 năm nhận nhiệm vụ (1982 - 1987), ông Trung đã xây dựng và đào tạo được một xưởng nghề cho nước bạn, giải quyết việc làm cho 300 công nhân. Nay xưởng nghề này đã phát triển thêm 3.000 lao động.
Muốn có một tác phẩm như ý, người thợ phải trải qua nhiều bước, từ khâu chọn mua, xử lý nguyên liệu, đến chế tác sản phẩm. Nguyên liệu mua về được phơi tái; sau đó cho vào bể ngâm hóa chất chống mối mọt, thời gian ngâm 10 ngày để cho tre ngấm đều hóa chất. Sau đó vớt tre ra để nghiến mấu, cạo vỏ dùng giấy giáp đánh bóng và phơi tre khô. Công đoạn tiếp theo là đưa tre vào lò, dùng rơm, rạ hoặc lá tre để hun lấy mầu, sản phẩm có mầu nâu tây hay nâu đen, là do thị hiếu của khách hàng yêu cầu. Sau khi hun lấy mầu, đưa tre ra khỏi lò để cho nguội và đưa lên uốn thẳng. Bước vào công đoạn đóng đồ, những người thợ cả chọn nguyên vật liệu để cắt ra các mặt hàng sao cho phù hợp những sản phẩm được ra đời. Màu sắc của sản phẩm có nhiều loại, có thể là từ màu nguyên thủy của mây hun hay được hỗ trợ qua cách pha chế sơn PU.
Kỹ thuật chế biến mây bao gồm hai công đoạn: Phơi sấy và chẻ mây. Khi sấy, nhiều khói quá hay ít khói quá mây cũng bị đỏ. Khi phơi, gặp mưa thì sợi mây mất vẻ đẹp, mà nắng thì sợi mây mất vẻ tươi. Sợi mây chưa khô tới thì nước da bị úa, mà khô kiệt quá thì nước da mất vẻ óng mềm. Do đó, phơi sấy mây đòi hỏi phải đúng kỹ thuật. Lấy mấu là công đoạn đầu tiên của việc chế biến mây. Chẻ mây là công việc công phu, đòi hỏi tay nghề khá cao. Cây mây thường có các đốt không đều nhau, bởi thế, khi chẻ cần chú ý điều khiển thật khéo sao cho các phần to và nhỏ phải đều nhau.Yêu cầu chủ yếu của việc chẻ mây là các sợi mỗi loại phải thật đều. Loại sợi to để đan cạp các sản phẩm thường. Loại sợi nhỏ dùng để làm những loại hàng quý, hay để tạo các loại hoa cầu kỳ... Tùy thanh tre, cây mây to, nhỏ mà quyết định chẻ chẵn hay chẻ lẻ. Kỹ thuật chẻ lẻ khi làm nan sợi tre, mây là một sáng tạo quý báu. Để tạo một cỡ sợi mây, nếu chẻ cây mây nhỏ làm tư, làm sáu thì chẻ cây to hơn làm bảy hoặc chín sợi. Chất lượng và mỹ thuật sợi mây là một trong hai yếu tố quyết định giá trị của sản phẩm mây đan.
Tạo sức mạnh liên kết cho làng nghề
Ngày nay, các khâu cắt tiện, pha chẻ và chuốt nan tre, nứa, giang, song, mây, guột... đã từng bước được cơ giới hoá, nhưng mọi sản phẩm mây tre đan cao cấp đều phải thao tác thủ công, nên nghề đan cũng có khuôn mực của nó, ấy là phương pháp và kỹ thuật đan, cài.
Kỹ thuật nghe có vẻ đơn giản, nhưng phải khéo léo đến cỡ nào mới cho ra được những tác phẩm tuyệt mỹ đến đỉnh cao của nghệ thuật. Người Phú Vinh đã sáng tạo được hàng trăm mẫu hàng, xuất khẩu là chủ yếu gồm đủ loại: Đĩa mây, lẵng mây, làn mây, chậu mây, bát mây. Không thể phủ nhận, nghề mây tre đan đã giải quyết công ăn việc làm cho một lượng lớn lao động nông thôn, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người lao động. Hiện nay, sản phẩm mây, tre, giang đan của Phú Vinh đã chen chân vào được những thị trường khó tính như: Nhật Bản, Mỹ, Hà Lan, Đức, Tây Ban Nha… Mây tre đan cũng đã trở thành một hàng hoá có trong danh mục xuất khẩu sang thị trường các nước. Thị trường xuất khẩu mây tre đan ngày càng mở rộng và giá trị kim ngạch thu được ngày càng nhiều, được xếp vào nhóm các hàng hoá xuất khẩu quan trọng của nước ta hiện nay. Nhưng để mây tre đan trở thành hàng hoá thương mại, các làng nghề cần có nhà tổ chức sản xuất, các doanh nghiệp xuất khẩu có quy mô lớn, trọng thẩm mỹ, biết khám phá thị hiếu, thị trường. Phương thức sản xuất của làng nghề Phú Vinh song song tồn tại hai cách: Hoặc là lấy mẫu ở các cơ sở thu gom, rồi tự mua nguyên liệu, tiến hành chế tạo, gia công sản phẩm, sau khi được một số lượng nhất định thì mang đi bán. Hoặc là làm trực tiếp tại nhà các hộ kinh doanh theo kiểu làm công ăn lương.
Bài toán đang cần lời giải hiện nay của làng nghề Phú Vinh nói riêng và các làng nghề nói chung là việc xây dựng nguồn nguyên liệu ổn định; liên kết trong các khâu tạo nên sản phẩm, từ đào tạo nguồn nhân lực, thiết kế, sản xuất cho đến xuất khẩu. Nhà nước cũng cần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp mây tre đan tiếp cận các nguồn vốn tín dụng, ngân hàng, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thị trường, xúc tiến thương mại tại các thị trường trọng điểm; hỗ trợ tài chính, thiết bị, các thông tin liên quan đến thị trường, sản phẩm mây tre, thủ công mỹ nghệ trên thế giới... Tạo sức mạnh liên kết giữa 3 nhà: Nhà nước - Nhà Doanh nghiệp - Nhà Nông, để đưa vị thế xuất khẩu mây, tre đan Việt Nam lên một tầm cao mới. Góp phần gìn giữ tôn vinh những giá trị truyền thống của làng nghề, tạo việc làm cho phần lớn những người nông dân làm nông nghiệp ở nông thôn. Đó cũng là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta đang quan tâm giải quyết vấn đề Tam nông. Câu lạc bộ Nghệ nhân Phú Vinh được thành lập cũng nhằm mục đích tập hợp những nghệ nhân, thợ giỏi đoàn kết sát cánh, cùng phát huy những tài năng nghệ thuật của mình để giữ gìn, bảo vệ nghề truyền thống, sáng tạo ra nhiều mẫu mã đẹp, nhiều tác phẩm mới, đáp ứng nhu cầu thị trường thế giới trong hội nhập hiện nay.
Theo arid.gov.vn
Bình luận
Nội dung này chưa có bình luận, hãy gửi cho chúng tôi bình luận đầu tiên của bạn.